Nhà thông minh - Xu thế của tương lait

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Cách mạng tương lai Google hỏng dần vì một vấn đề mang màu sắc Steve Jobs

Trong cuộc đua có ý nghĩa quan trọng bậc nhất của tương lai là nhà thông minh (smarthome), công nghệ sinh học-số và robot học, Google vấp ngã vì một lý do không thể đáng chán hơn.

Trong vòng một tuần lễ, những tin xấu về Nest cùng các công ty con của Google liên tục xuất hiện. Tất cả bắt đầu khi The Information đăng tải một bài báo có tên “Bên trong nỗ lực xây dựng Nest đầy khó khăn của Tony Fadell”. Trong bài viết này, Fadell, “cha đẻ” của iPod, nhà sáng lập và CEO của Nest và cũng là người từng được Google giao phó trọng trách phát triển thế hệ Google Glass tiếp theo, đã bị mô trả như một “kẻ độc tài” làm việc máy móc, bảo thủ.

Thông tin đáng chú ý nhất trong bài viết này là thú nhận của Tony Fadell rằng hơn Nest đã để mất 100 nhân viên của Dropcam, công ty chuyên sản xuất camera dành cho nhà thông minh được Nest mua lại sau khi về dưới trướng Google. Nhà lãnh đạo nỗ lực smarthome của Google khẳng định: “Rất nhiều người trong số này không tốt như mong đợi ban đầu của chúng tôi… không may mắn đó là một đội ngũ không mấy kinh nghiệm“.

Nhưng cựu CEO của Dropcam, Greg Duffy thì không đồng ý với quan điểm của Fadell. Trong một bài viết phản hồi, Duffy chỉ ra rằng tổng số nhân viên nghỉ việc tại Nest đã lên tới 500 người, cho thấy các nhân viên của Dropcam không phải là những người duy nhất bất mãn với tình cảnh của Nest hiện tại. “50 nhân viên Dropcam từ bỏ Nest là vì họ cảm thấy khả năng phát triển các sản phẩm tuyệt vời của họ đã bị bóp vụn”, Duffy khẳng định.

Những con số biết nói


Cha đẻ của iPod, nhà sáng lập của Nest, Tony Fadell.

Tạm chưa phân thắng bại giữa 2 nhà lãnh đạo của Nest và Dropcam, sự thật không thể chối cãi là mảng smarthome của Google đang gặp vấn đề trầm trọng. Gần đây nhất, các con số rò rỉ cho thấy trong 2 năm đầu về tay Google, Nest không thể đạt được mức doanh thu cam kết là 300 triệu USD mỗi năm, cùng lúc “đốt” của Google khoản tiền 500 triệu USD mỗi năm.

Tổng doanh thu của Nest khi cộng gộp doanh thu của Dropcam được cho là vào khoảng 340 triệu USD, nhưng kể cả con số này cũng không phải là một tín hiệu mừng với Tony Fadell và Google/Alphabet:

“Tôi không thể công bố doanh thu của Dropcam, nhưng nếu bạn biết tỷ lệ phần trăm mà đội ngũ nhỏ bé chỉ 100 người của Dropcam mang lại cho ‘Other Bets’ (các mảng kinh doanh phụ của Alphabet, nằm ngoài Google) thì Nest chắc chắn sẽ chẳng hay ho gì. Do đó, nếu Fadell muốn chứng minh lập luận của mình, tôi thách anh ta công bố các con số tài chính đầy đủ. Dự đoán dễ dàng là anh ta sẽ không làm vậy“, Greg Duffy khẳng định.

Ngay sau khi thông tin về doanh thu của Nest bị lộ, 2 lãnh đạo của bộ phận này được cho là đã rục rịch rời khỏi công ty. Điều này càng góp phần khẳng định rằng vấn đề của Google là có thật.


Greg Duffy, cựu CEO của Dropcam, công ty con của Nest.

Fadell đến giờ vẫn im hơi lặng tiếng. Nhưng sự thật là từ thời điểm về tay Google với khoản tiền ngang ngửa những gì Facebook đã bỏ ra để thâu tóm cả Instagram và Oculus, Nest cho tới nay vẫn chưa có sản phẩm nào thực sự nổi bật và mới mẻ cả. Dòng máy đo nhiệt độ Nest Learning Thermostat không còn hot như trước, máy phát hiện khói Protector thì chẳng được ai chú ý tới, còn máy camera an ninh “Nest Cam” (vốn là chiếc Dropcam bị đổi tên) thì bắt đầu bán chậm kể từ khi… về tay Nest.

Theo lời Duffy, trước khi bán lại cho Nest thì Dropcam đang chuẩn bị đón nhận một năm có doanh thu kỷ lục. Nhưng ngay sau thương vụ 555 triệu USD đã khiến cho vị CEO này “hối hận”, Nest đã ngay lập tức giết chết một loạt các sản phẩm mới của Dropcam như Tabs (thiết bị phát hiện cửa sổ/cửa ra vào đang đóng hay mở) hay một dòng camera an ninh lắp ngoài trời. Riêng Tabs bị khai tử để nhường đường cho một thiết bị Nest tương tự có tên Pinna, hiện vẫn… chưa ra mắt.

Google có còn khả năng đón đầu những cuộc cách mạng mới?

Những vấn đề tại Nest là đáng nhắc tới nhất, bởi đây là thương vụ thâu tóm có giá trị lớn nhất của Google từ trước tới nay, và bởi đây cũng chính là nỗ lực đáng kể nhất của công ty khi đi đón đầu những cuộc cách mạng chắc chắn sẽ thay đổi thế giới: nhà thông minh và Internet of Things.

Nhưng Nest không phải là “Other Bet” duy nhất của Google gặp vấn đề. Verily, nỗ lực của Google nhằm cách mạng hóa ngành dược phẩm và công nghệ sinh học toàn cầu bằng thuật toán, cũng đang chứng kiến một loạt các nhà khoa học, kỹ sư và quản lý tầm trung lần lượt rời bỏ. “Những người từ bỏ các startup được đầu tư tốt cũng chấp nhận từ bỏ các lợi ích tài chính lâu dài, cho thấy những người rời Verily đang mất hết lòng tin vào lãnh đạo của công ty đây“, trích lời nhà phân tích thị trường Rod Enderle, người đã theo sát tình hình Google từ những ngày đầu thành lập.


Danh sách các nhân sự chủ chốt đã rời bỏ Verily. Dấu * ký hiệu những người từng tham gia thành lập Verily.

Người gây ra thảm cảnh hiện tại cho Verily là CEO Andy Conrad, “một vị lãnh đạo nông nổi, gây chia rẽ với cung cách làm việc khiến công ty mất dần những tài năng top và mở ra chỗ trống cho đối thủ cạnh tranh”. Những người đã từng làm việc cho Verily khẳng định: “Nhiều nhân viên ở các vị trí chủ chốt đang cảm thấy chán nản, và hiện tượng thiếu vắng trọng tâm cũng như các ưu tiên rõ ràng đang ở mức bất bình thường, ngay cả trong nền văn hóa hỗn loạn của một startup“.

Trong một cuộc phỏng vấn, Michael Luther, một nhà khoa học đã từng làm việc với Conrad, đã vẽ ra một bức chân dung không mấy dễ chịu về người lãnh đạo mảng công nghệ sinh học của Google: “Chúng tôi hay đùa và gọi Conrad là ‘chim hải âu của khoa học’. Ông ta bay đến, kêu gào, ‘bậy’ lên tất cả mọi thứ, rồi bay đi”.

Mức doanh thu của Verily cũng rất đáng lo ngại. Theo ước tính của các nhà đầu tư, Verily thậm chí không thể mang lại 10 triệu USD cho Google/Alphabet.


Ai ngờ rằng những con robot siêu việt này lại bị “bỏ rơi” tại Google.

Cũng gặp vấn đề về lãnh đạo nhưng khác biệt hẳn với Nest và Verily là Boston Dynamics, công ty chuyên về robot siêu sáng tạo đã từng làm việc cho Bộ Quốc Phòng Mỹ trước khi được Google mua lại vào năm 2013. Nhà lãnh đạo đầu tiên của Boston Dynamics khi về tay Google là Andy Rubin, người đặt ra tầm nhìn rằng các con robot siêu việt của công ty này phải nằm trong một chiến lược AI lâu dài. Nhưng chỉ 1 năm sau khi tiếp quản Boston Dynamics, Rubin rời đi. Đến tháng 1 vừa qua, người kế nhiệm của ông là James Kuffner cũng rời Google để tới Toyota làm việc.

Nói cách khác, Boston Dynamics luôn bị coi như một đứa con hoang vô chủ tại Google. Hiện tại, Alphabet được cho là đang tìm cách bán lại Boston Dynamics.

Một vấn đề mang màu sắc Steve Jobs

Cả 3 công ty con đáng chú ý nhất của Alphabet đều gặp vấn đề về lãnh đạo. Và Alphabet không phải công ty đầu tiên mắc phải vấn đề này.

Khi đọc những cụm từ đang bị sử dụng để mô tả về Fadell, Conrad và Rubin như “không nhân nhượng”, “gây chia rẽ”, “cố chấp”, bạn có lẽ không thể không nghĩ tới một nhà lãnh đạo huyền thoại đã từng đưa thế giới đi qua nhiều cuộc cách mạng công nghệ: Steve Jobs. Vấn đề là ở chỗ, dù luôn có tầm nhìn về sản phẩm đi trước thời đại nhưng Jobs không phải là một nhà quản lý tài giỏi có thể duy trì những nỗ lực lâu dài.


Ví dụ, khi trở lại và đưa Apple đi qua ít nhất là 5 thành công khổng lồ (iMac, iPod, iPhone, iPad và MacBook Air), Steve Jobs kiên quyết nói không với tablet cỡ nhỏ và smartphone cỡ lớn. Thành công khổng lồ của iPad Mini và iPhone 6/6 Plus sau này chính là minh chứng cho thấy một sự thật đau lòng rằng nếu còn sống thì rất có thể Steve Jobs sẽ lại khiến Apple đi vào tình cảnh như thập niên 80: đưa sản phẩm được ưa chuộng đi sai hướng rồi dần thất bại về mặt thương mại. Ngược lại, dù không sáng tạo như Jobs nhưng có lẽ Tim Cook là món quà lớn nhất được Jobs ban tặng lại cho Apple, bởi “con buôn” đại tài này đã tận dụng rất tốt di sản sáng tạo do Jobs để lại để đưa Apple thành công ty đầu tiên có trị giá vượt 700 tỷ USD.

Kiêu ngạo nhưng không có tầm nhìn

Nhưng trong khi iMac và iPhone tận hưởng thành công theo từng quý thì các công ty con của Google đều đang tham gia vào những cuộc cách mạng lâu dài. Và thực tế là cho đến nay cả 3 “Other Bet” của Google đều chưa chứng tỏ được khả năng sinh lời ngắn hạn và cũng chưa tạo ra thứ gì thực sự đột phá để thay đổi thế giới cả. Bây giờ vẫn còn là quá sớm để tỏ ra kiêu ngạo và tập thói ra lệnh một cách độc đoán, chưa kể không phải nhà lãnh đạo nào của Google cũng có tầm nhìn như Steve Jobs.

Theo lời kể của Duffy, Fadell đã từng một lần trách mắng một kỹ sư của Google trước mặt 20 nhân viên khác và yêu cầu anh này phải “lấy thuật toán từ Adobe Photoshop” để dùng cho sản phẩm Nest. Đó là minh chứng cho thấy vị cha đẻ của iPod thực sự không hiểu biết một chút nào về những công nghệ mà ông ta đang cố kiểm soát. Kết quả là các dự án sáng tạo của Dropcam giờ đã bị khai tử nhưng Nest thì vẫn thiếu đi một thành công đủ tầm nối tiếp Learning Thermostat.


“Tầm nhìn” dở tệ của một vị CEO kiêu ngạo cũng là thứ khiến cho Verily héo hắt. Theo lời những người đã từng làm việc với CEO Andy Conrad, “Ông ta thường thổi phồng những gì Verily có thể mang tới, khởi động các dự án lớn một cách tùy tiện và thường sẵn sàng lấy nguồn lực vốndành cho các cam kết đã đưa ra để chuyển sang các ý tưởng mới mà ông ta cho là có thể mang lại doanh thu lớn. […] Conrad thường nhảy lên các ý tưởng của các đối tác trong buổi họp, khẳng định rằng Verily đã đang phát triển ý tưởng đó từ trước rồi, ngay cả khi các nhân viên cao cấp còn lại của Verily đều khẳng định điều ngược lại. Sau đó ông ta sẽ yêu cầu các kỹ sư và các nhà khoa học phát triển các ý tưởng này, và chúng thường tỏ ra… bất khả thi“.

Thiếu vắng tầm nhìn và một chiến lược lâu dài đã khiến Verily trở thành một cơn ác mộng ngay cả khi tiềm lực tài chính vẫn còn rất vững mạnh. Nhân viên của công ty ngày một chán nản trước những yêu cầu không thể thực hiện nổi, cùng lúc phải làm việc tới tận đêm khuya. “Những tiếng khóc không phải là hiếm gặp trong văn phòng của Verily”, một cựu nhân viên khẳng định.

Boston Dynamics cũng kém may mắn, nhưng là theo một cách khác Tầm nhìn của Andy Rubin có thể là đúng đắn, nhưng ai cũng hiểu ông là một nhà lãnh đạo bị thất sủng tại Google sau khi để mất quyền điều hành Android vào tay Sundar Pichai. Kể từ khi về tay Google tới nay, Boston Dynamics vẫn chỉ tiếp tục phát triển những con robot có khả năng di chuyển tốt, hay nói cách khác là tiếp tục làm những gì đã làm khi vẫn còn độc lập. Đáng buồn là những con robot này vẫn chưa thể đi vào hoạt động thực tế và cũng không ăn khớp chút nào với tầm nhìn AI do Rubin đặt ra ban đầu.

Cánh cửa tương lai đang khép lại


Bất kể vấn đề của Nest, Verily và Boston Dynamics là gì, sự thật là Google đã bị tái cơ cấu lại thành Alphabet. Quyết định tách mảng kinh doanh chính ra làm một công ty con ngang hàng với các “Other Bet” chuyên tâm đi tìm tương lai chỉ có thể mang một ý nghĩa duy nhất: bộ sậu lãnh đạo tại Google/Alphabet muốn kiểm soát chặt chẽ các Other Bet hơn trước đây.

Chính hành động cải tổ này đã buộc Alphabet phải công bố khoản tiền lỗ lên tới hơn 4 tỷ USD đổ vào các Other Bet trong năm vừa qua. Khi không còn có thể “núp bóng” khoản tiền lãi hàng chục tỷ USD mỗi năm của Google, cả Nest, Verily và Boston Dynamics đều không thể tiếp tục “đốt tiền” như trước. Và nếu những cuộc cách mạng được Alphabet thèm muốn không thể sớm xuất hiện, các nhà đầu tư sẽ sớm mất hết niềm tin vào các dự án “bắn lên Mặt Trăng” của Google.

Những thông tin xuất hiện gần đây cho thấy kịch bản đáng sợ đó thực tế đã diễn ra: Google đã bắt đầu rao bán Boston Dynamics. Năm nay cũng là năm thỏa thuận “khóa” tiền mặt 3 năm giữa Google và các nhà lãnh đạo Nest kết thúc, và nếu Tony Fadell không thể xoay chuyển tình thế, Nest sẽ sớm rơi vào tình trạng chảy máu chất xám ồ ạt như Verily.


2 gọng kìm chảy máu chất xám và kiểm soát tài chính có thể bẻ gãy bất kỳ một startup nào, và ngay cả những startup nằm trong vòng tay Google cũng vậy. Nếu không thể tìm cách thay đổi, Google sẽ sớm chứng kiến những nỗ lực đón đầu tương lai của mình đi vào chỗ chết. Trong kịch bản đó, mảng kinh doanh chính của Google vẫn sẽ vững mạnh, nhưng bỏ mặc tương lai có khác gì thừa nhận số phận của Google phụ thuộc vào khả năng sáng tạo của người khác? Điều Larry Page, Sergey Brin và Eric Schmidt cần làm lúc này là mạnh tay trảm tướng để thiết lập lại trật tự cho các mảng kinh doanh mới. Nếu không, Google cũng sẽ phải chịu phụ thuộc vào quảng cáo như cách Apple phụ thuộc vào iPhone ngày nay.

0 nhận xét